Thiết lập mục tiêu Smart – bí quyết của những “ông vua bán hàng”

Thực tế, tất cả các “ông vua bán hàng” đều có mục tiêu rất cụ thể và rõ ràng. Đó cũng chính là bước đầu tiên vô cùng quan trọng cho mọi công việc. Smart là công thức đặt mục tiêu được rất nhiều người thành công áp dụng. Vậy bí quyết của công thức này là gì? Làm sao để mục tiêu biến thành hiệu quả thực tế?
1. Tầm quan trọng của việc thiết lập mục tiêu
Mục tiêu là những kết quả mà bạn mong muốn đạt được trong tương lai. Chúng được phân loại thành ngắn hạn – trung hạn – dài hạn. Trong tất cả mọi lĩnh vực của công việc hay cuộc sống, chúng ta đều cần có những hệ thống mục tiêu cụ thể.

1.1. Mục tiêu là “kim chỉ nam” của hành động
Mục tiêu vẽ ra một đích đến. Dựa vào đó, chúng ta luôn xác định được điều gì là quan trọng để tập trung. Tất cả mọi hành động đều hướng tới một đích chung. Do đó, chúng liên kết chặt chẽ với nhau để phát huy hiệu quả.
“Bạn đến từ đâu không quan trọng, quan trọng là bạn đang đi đâu.” Luôn có mục tiêu rõ ràng giúp bạn biết được mình cần nỗ lực và kiên trì bao nhiêu. Đó là kim chỉ nam để đạt được thành công và sống có ý nghĩa hơn.
1.2. Mục tiêu giúp bạn giải thoát khỏi sự trì trệ
Có rất nhiều người cảm thấy mình trì trệ nhưng không thoát nổi khỏi sức ì của bản thân. Họ khao khát thành công như những người xung quanh nhưng không có phương hướng.
Việc lập ra một mục tiêu rõ ràng, thời hạn cụ thể sẽ giúp tạo ra động lực kéo bạn khỏi sự ì ạch đó, tiến nhanh hơn về phía trước và đạt được những gì bản thân mong đợi.
1.3. Mục tiêu giúp phát huy ưu điểm bản thân
Chính bạn là người hiểu rõ nhất những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân nhất. Thiết lập mục tiêu phải dựa trên những gì bản thân thực tế đang có.
Nhờ việc vạch ra một con đường rõ ràng cho bản thân, bạn sẽ phát huy được những ưu điểm, khắc phục khuyết điểm tốt nhất.
1.4. Mục tiêu tạo ra động lực
“Mối nguy hại lớn nhất của phần lớn chúng ta không phải đặt mục tiêu quá xa vời, mà là đặt mục tiêu quá dễ dàng để đạt được”. Chinh phúc một đích đến khó khăn bao giờ cũng tạo nên những thành tựu, kinh nghiệm khiến chúng ta hài lòng và thỏa mãn.
Chính sự thỏa mãn đó sẽ là động lực thúc đẩy ta luôn luôn nỗ lực và cố gắng. Đó là điều mà những những người không có mục tiêu hoặc mục tiêu quá dễ dàng không có được.
Tổng thống Trump đã từng nói “Không giấc mơ nào quá lớn. Không thử thách nào không thể vượt qua.” Mơ đủ lớn sẽ tạo ra động lực phát triển cho bạn.

2. Smart – bí quyết thiết lập mục tiêu hiệu quả
Chúng ta đều hiểu được tầm quan trọng của mục tiêu, nhưng không phải ai cũng biết cách để hoạch định nó một cách phù hợp. Có những người đưa ra mục tiêu quá xa vời thực tiễn. Ngược lại lại có những đích đến quá dễ dàng, không đủ để tạo nên động lực và thúc đẩy bản thân phát triển.
Smart là một trong những công thức xây dựng mục tiêu được nhiều người áp dụng và đạt được thành công nhất. Vậy bí quyết trong công thức này là gì?

2.1. Specific – tính cụ thể
Tất cả những mục tiêu mơ hồ sẽ vẽ cho chúng ta một con đường mơ hồ. Những mục tiêu kiểu như: trở thành người thành công, trở thành giám đốc, bán hàng thật tốt,… rất khó hình dung.
Trở thành người thành công cần có những yếu tố gì? Ban sẽ thành giám đốc của một công ty như thế nào? Bán hàng tốt cụ thể đạt được số lượng đơn hàng ra sao?,…
Hãy đặt ra những mục tiêu cụ thể và rõ ràng như: trong 1 tháng có bao nhiêu đơn hàng thành công, trong 1 năm lên được vị trí quản lý của công ty đang làm việc,…
2.2. Measurable – có thể đo lường được
Mục tiêu có thể đo lường được bằng con số giúp bạn hình dung rõ ràng. Điều đó giúp bạn:
- Đánh giá được đã hoàn thành bao nhiêu % mục tiêu, cần cố gắng bao nhiêu để hoàn thiện đúng thời hạn.
- Biết chính xác cần phân bổ thời gian, công sức bao nhiêu mỗi ngày, mỗi giờ, hạn chế được “thời gian chết”.
- Đánh giá được kết quả, hiệu suất công việc sau khi hoàn thành.
Mục tiêu cần được cụ thể hóa thành các con số. Ví dụ:
1 tháng đạt được lợi nhuận 30 triệu -> 1 giao dịch thành công -> 6 khách hàng tiềm năng -> 20 khách hàng đến tham quan bất động sản -> 36 cuộc hẹn gặp -> 150 khách hàng tiềm năng -> tiếp cận 1050 khách hàng.
2.3. Attainable – tính khả thi
Mục tiêu phải phù hợp với khả năng của chính mình. Mục tiêu quá xa vời khiến bạn mệt mỏi và chán nản, mục tiêu quá dễ lại không tạo được động lực cố gắng. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc bạn không thể đặt ra những mục tiêu lớn cho bản thân.
Thay vì chỉ đặt ra một mục tiêu lớn, hãy chia nhỏ nó ra thành các mục tiêu nhỏ hơn theo từng giai đoạn. Ví dụ: Trở thành giám đốc bán hàng của công ty hiện tại trong 1 năm -> trở thành người bán hàng xuất sắc nhất trong 2 tháng -> có 5 giao dịch thành công trong tháng tiếp theo.
Xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu của bản thân là vô cùng quan trọng để bạn đặt ra mục tiêu phù hợp.
2.4. Relevant – sự liên quan
Hãy đảm bảo tất cả mục tiêu của bạn thực tế và hướng đến một mục đích chung. Những mục tiêu không nằm trong một tổng thể dài hạn có thể là “thừa thãi” và khiến bạn không tập trung công sức và thời gian để đạt được dự định một cách nhanh nhất.
2.5. Time-bound – mục tiêu luôn có thời hạn
Tất cả mục tiêu luôn cần giới hạn về thời gian. Điều đó sẽ tối ưu hóa hiệu quả công việc, thúc đẩy bản thân vượt ra khỏi sức ì, đảm bảo mọi việc đúng thời hạn.
Hãy thử tưởng tượng, nếu không ý thức được về vấn đề thời gian, bạn sẽ không có động lực để hoàn thành công việc nhanh nhất và luôn đi chậm trễ sau người khác.
3. Để mục tiêu biến thành hành động
Sau khi lập ra mục tiêu, nếu bạn không biến thành hành động thực tế, đích đến mãi mãi chỉ nằm trên giấy. Để luôn bám đuổi mục tiêu một cách sát sao, hãy lưu ý những điều sau đây:

3.1. Luôn luôn nhắc nhở về mục tiêu một cách tích cực
Mọi hành động phải luôn hướng về mục tiêu. Do đó, hãy luôn nhắc nhở mình về điều đó:
- Viết mục tiêu ra giấy và luôn đặt ở nơi bạn dễ dàng nhìn thấy như bàn làm việc, màn hình máy tính, tường nhà, trước gương,…
- Để mục tiêu ở đầu tiên trên tất cả các danh sách việc cần làm.
- Luôn nhắc về mục tiêu một cách tích cực. Thay vì “tôi sẽ cố gắng để đạt được” hãy nói “tôi sẽ đạt được”. Đừng coi mục tiêu là gánh nặng.
Mục tiêu xuất hiện mọi lúc, mọi nơi sẽ thúc giục bạn hành động một cách tích cực và nỗ lực hơn nữa.
3.2. Lập kế hoạch hành động ngay hôm nay
Chúng ta không thể tới đích nếu không có đường đi. Đặc biệt với những mục tiêu lớn và dài hạn, điều này vô cùng quan trọng.
Hãy vạch ra lộ trình cụ thể với các tiêu chí:
- Các mục tiêu được chia nhỏ trong ngắn hạn.
- Công việc cụ thể.
- Chỉ tiêu chất lượng.
- Phân bổ thời gian, chi phí.
- Đo lường, đánh giá và điều chỉnh.
Kế hoạch hành động sẽ giúp bạn biết mình phải làm gì, phân bổ sự nỗ lực ra sao để đạt được mục tiêu một cách nhanh nhất.
3.3. Bám sát các mục tiêu đã đề ra
Thiết lập và hoàn thành mục tiêu đã đặt ra là cả một quá trình. Hãy luôn luôn theo dõi và đánh giá tất cả những gì mình đã – đang – sẽ làm.
Có thể những kế hoạch, hành động của chúng ta đôi khi sai lối. Luôn luôn đánh giá lại kết quả đang có – mục tiêu tổng thể ban đầu là vô cùng quan trọng. Điều đó sẽ giúp bạn điều chỉnh để có được thành công tốt nhất.
Mục tiêu là vô cùng quan trọng với tất cả mọi người. Đặc biệt với những người ở trong môi trường cạnh tranh như bán hàng, điều đó giúp bạn tập trung nỗ lực và tiến xa nhất có thể. Hãy bắt đầu bằng việc xem xét và xây dựng mục tiêu một cách đúng đắn nhất. Hy vọng những chia sẻ trên đây từ Nhà Đất Mới có thể giúp bạn có thêm những kinh nghiệm bổ ích.
Aro Bùi – Ban biên tập Nhà Đất Mới