Không quản lý tài chính cá nhân – “Hố đen” khiến môi giới làm bao nhiêu cũng hết

Câu chuyện không biết cách quản lý tài chính cá nhân dẫn đến chi tiêu vượt mức là câu chuyện của rất nhiều người, không riêng gì các môi giới bất động sản.
Tuy nhiên, nhà môi giới luôn phải đối mặt với một lượng chi phí khổng lồ cho tìm kiếm và chăm sóc khách hàng. Do đó, nếu không biết cách quản lý tài chính hiệu quả sẽ dẫn đến nhiều hậu quả.
1. Không quản lý tài chính – cẩn thận “phá sản” cá nhân
Có một nhà môi giới từng chia sẻ số tiền cá nhân bỏ ra để tìm kiếm khách hàng rơi vào khoảng 200 triệu đồng/tháng. Con số này tương đương với chi phí Marketing cho một công ty với 10 sales hoạt động. Điều đó chứng tỏ chi phí của mỗi môi giới bất động sản hàng tháng không hề nhỏ. Do đó, chi – tiêu hợp lý vô cùng quan trọng để dẫn đến thành công.
Không quản lý tài chính cá nhân có thể gây ra rất nhiều hệ lụy:
- Chi tiêu không cân đối khiến làm nhiều, thu nhập không đáng kể.
- Không đủ tiền vốn xoay vòng để tiếp tục thực hiện kinh doanh, tìm kiếm khách hàng.
- Không đủ kinh phí để phát triển những ý tưởng kinh doanh.
- Phải vay vốn ngoài – vay ngân hàng đòi hỏi thế chấp, vay tín dụng áp lực về thời hạn trả và lãi suất cao.
- Không có tài chính dự trữ cho các trường hợp bất ngờ: mất cắp, bệnh tật, thị trường biến động,…
- ….

2. Bí quyết quản lý tài chính cá nhân dành cho các nhà môi giới
2.1. Thiết lập ngân sách ngay hôm nay
Để làm việc hiệu quả, mỗi nhà môi giới đều phải có một bản kế hoạch hoàn chỉnh cho mình. Trong đó, phần không thể thiếu đó chính là ngân sách chi tiêu cho các phương án thực hiện.
Một số lưu ý khi thiết lập ngân sách:
- Càng chi tiết càng tốt: việc phân chia ngân sách càng chi tiết sẽ đảm bảo bạn không bị bỏ lỡ các khoản chi phí – nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chi phí thực tế vượt xa dự định. Ví dụ, việc chi tiêu cho quảng cáo Facebook cần chia thành: chi phí quảng cáo, nhân sự quảng cáo,…
- Đừng quên thiết lập mục tiêu: Mỗi nhiệm vụ đều phải có mục tiêu cụ thể và mức chi phí đã đề ra để đạt đến mục tiêu đó.
- Dự tính các khoản phát sinh.
- Tham khảo báo giá nhiều bên trước khi lên ngân sách.

2.2. Luôn luôn có quỹ dự phòng
Công việc và cuộc sống luôn luôn có những biến động ngoài tính toán của bạn. Chính vì vậy, khoản dự phòng sẽ giúp bạn không phải “lao đao” khi có phát sinh hay có đủ khả năng tham gia vào các ý tưởng kinh doanh mới.
Tốt nhất, ngoài khoản tiết kiệm cố định hàng tháng, bạn nên có một số tiền dự phòng bằng từ 3-6 tháng chi phí sinh hoạt của mình. Khoản tiền này có khả năng rút ra bất cứ khi nào bạn cần.
Ngoài gửi tài khoản tiết kiệm, bảo hiểm nhân thọ cũng là một hình thức tiết kiệm thông minh. Bảo hiểm có khả năng san sẻ gánh nặng tài chính khi có bất trắc. Có những hình thức bảo hiểm cho phép bạn nhận được một số tiền lớn sau khoảng thời gian nhất định. Mua bảo hiểm nhân thọ quan trọng nhất là tìm được gói bảo hiểm phù hợp với tình hình của bạn. Hãy lựa chọn công ty và người tư vấn “có tâm” để hiểu được hết quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
2.3. Đầu tư thông minh mới tạo ra thu nhập
Để gia tăng tài sản, có 2 cách là đầu tư và tiết kiệm. Tiết kiệm là hình thức an toàn và chắc chắn. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào lãi suất ngân hàng, nguồn tiền của bạn sẽ không có khả năng tăng lên nhanh chóng. Thậm chí, những rủi ro từ lạm phát, mất giá đồng tiền còn gây ra nhiều thiệt hại.
Warren Buffet – nhà đầu tư nổi tiếng thế giới – đã nói rằng “đừng bao giờ đặt hết tất cả trứng bạn có vào cùng một giỏ”. Hãy mạnh dạn dùng 1 khoản thu nhập của mình cho đầu tư, lên kế hoạch cho những ý tưởng mới. Tuy nhiên, trước khi quyết định đầu tư, hãy đảm bảo bạn đã có kiến thức và sự am hiểu về lĩnh vực đó hoặc tìm được một nhà đầu tư uy tín để “gửi gắm”.

2.4. Kiểm soát chi tiêu thường nhật
Thực tế, chi tiêu sinh hoạt có thể tăng vọt đáng kể ngoài dự định bởi thực tế: tiêu tiền phụ thuộc vào tâm lý nhiều hơn tính toán. Có rất nhiều người không hề khá giả nhưng nghiện mua sắm. Thậm chí, số tiền kiếm được còn không đủ đáp ứng sở thích thích họ.
Dưới đây là một vài bí quyết để bạn kiểm soát chi tiêu một cách hợp lý hơn:
- Kiểm soát những khoản chi “lặt vặt”: một cốc cafe, bữa sáng, buổi xem phim,… có thể không quá đáng kể nhưng cộng dồn vào là một khoản khá lớn. Hãy có ghi chép chi tiết để có phương án chi tiêu hợp lý.
- Lên kế hoạch và hạn mức chi tiêu cho sở thích cá nhân.
- Hạn chế tiếp xúc với các loại hình quảng cáo: Quảng cáo bị nhiều người cho rằng “vớ vẩn” nhưng có sức gợi mở nhu cầu rất lớn. Hãy cố gắng bỏ qua chúng để tránh chi tiêu cho những thứ không cần thiết.
- Tự động hóa việc phân chia các khoản chi tiêu: Nếu bạn không thể tự kiềm chế bản thân, tốt nhất hãy. Tự động chuyển 1 phần thu nhập vào tài khoản tiết kiệm hay cho gia đình.
Hiện nay có rất nhiều ứng dụng giúp bạn kiểm soát chi tiêu. Nó cho phép bạn ghi lại số tiền mình đang có, số tiền đã chi tiêu theo ngày, giờ và lập cả kể hoạch chi, tiết kiệm, đầu tư cho bản thân mình. Bạn có thể sử dụng các app điện thoại hoặc thậm chí là công cụ excel cũng rất thuận tiện cho việc ghi chép và tính toán.
3. Áp dụng nguyên lý 50/20/30 trong quản lý chi tiêu cá nhân
Có rất nhiều quy tắc để quản lý chi tiêu cá nhân hiệu quả. Trong đó, không thể không kể đến quy tắc 50/20/30.
3.1. Nguyên lý 50/30/20 là gì?
Nguyên lý này giúp chia nhỏ các khoản cần chi tiêu của bạn vào 3 danh mục chính:
- 50% chi phí thiết yếu
- 20% mục tiêu tài chính
- 30% chi tiêu linh hoạt
Chia nhỏ các khoản chi theo một tỉ lệ hợp lý, bạn sẽ có dự tính về hạn mức chi tiêu cho mình. Từ đó, hạn chế chi vượt mức, giúp kiểm soát tài chính hiệu quả hơn.

3.2. Áp dụng nguyên lý 50/30/20 trong quản lý chi tiêu
3.2.1. 50% thu nhập cho các chi phí thiết yếu
Chi phí thiết yếu là khoản tiền bạn phải bỏ ra hàng tháng để phục vụ cho cuộc sống như:
- Tiền nhà ở
- Tiền ăn uống sinh hoạt
- Chi phí đi lại
- Hóa đơn điện nước
- …
Tỉ lệ này không có nghĩa là bạn phải chi 50% cho chi phí cố định mà hãy kiểm soát chúng trong tỉ lệ này. Nếu bạn đang chi tiêu vượt mức cho những khoản thiết yếu, hãy tìm cách để giảm thiểu xuống như: chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng, tiết kiệm điện, tìm kiếm các chương trình giảm giá,…
3.2.1. 20% thu nhập dành cho tích lũy và đầu tư
Khoản tiền này vô cùng quan trọng để phục vụ cho bản thân về lâu dài, được tích lũy để dành cho các mục tiêu như:
- Tiết kiệm – bảo hiểm
- Đầu tư
- Tham gia các chương trình giáo dục phát triển bản thân
- Thanh toán nợ
- ….
Khoản này được coi là đầu tư cho tương lai. Chính vì vậy, sẽ rất tốt nếu bạn có thể dành nhiều tiền hơn cho tích lũy và đầu tư. Tỉ lệ 20% là tỉ lệ tối thiểu bạn nên sử dụng để đảm bảo giúp phát triển tốt hơn trong tương lai.
3.3.3. 30% thu nhập dành cho nhóm linh hoạt
Hàng tháng luôn có những khoản phát sinh không cố định, không thuộc nhu cầu thiết yếu có thể kể đến như:
- Mua sắm
- Chăm sóc bản thân, làm đẹp
- Khám chữa bệnh
- Tiền mừng cưới, đám ma
- ….
Những khoản trên không cố định hàng tháng. Tuy nhiên, bạn nên để dành 30% thu nhập để tránh trường hợp phát sinh lại phải đi vay hoặc ảnh hưởng đến kế hoạch tiết kiệm, đầu tư của bản thân.
Nguyên tắc 50/20/30 vô cùng quen thuộc và đơn giản và dễ áp dụng. Cần lưu ý rằng, tỉ lệ này không phải tiêu chuẩn cho mọi trường hợp. Tùy và tình hình thực tế, bạn sẽ có tỉ lệ chi tiêu thích hợp cho bản thân mình.
Quản lý tài chính cá nhân không hợp lý sẽ dễ dẫn đến tình trạng “phá sản”. Hãy có phương pháp cho việc này ngay hôm nay để không gặp khó khăn về tài chính cũng như có khả năng phát triển bản thân tốt trong tương lai.
Aro Bùi – Ban biên tập Nhà Đất Mới